• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Con Cuông Bảo tàng văn hóa người Thái do cựu chủ tịch huyện thành lập

HMO

Administrator
Staff member
Dù đã về hưu, ông Vi Văn Phúc, nguyên Chủ tịch huyện Con Cuông lại miệt mài sưu tầm những đồ vật xưa cũ của dân tộc mình để lưu giữ cho muôn đời sau.

Trong “bảo tàng” của ông Phúc còn có nhiều cuốn sách chữ Thái cổ có giá trị.
Ít ai biết rằng, đằng sau căn nhà có kiến trúc đẹp, bề thế nằm bên QL 7, thị trấn Con Cuông của ông Vi Văn Phúc lại có hẳn một không gian riêng để trưng bày những hiện vật văn hóa Thái.

Bộ sưu tập vô giá.
Trong khuôn viên nhà sàn của ông Vi Văn Phúc chẳng khác nào một bảo tàng nhỏ. Ngay dưới tầng trệt, ông bày la liệt nào là cày, bừa, cuốc, xẻng. Nào là dao, nỏ, cung, tên. Rồi cối xay gạo, xay đậu, khung cửi. Hay cũng có khi là những chiếc ping, lủng, sày người dân dùng để xúc cá tôm dưới sông, suối. Ông Vi Văn Phúc (sinh năm 1945) là người Thái ở Mường Quạ, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Khi làm việc ở huyện, ở tỉnh và rời nhà ra thị trấn ở xen kẽ với người Kinh, ông thấy nhiều cái liên quan đến phong tục tập quán, SX, đặc biệt là văn hóa của người Thái bị mai một.

Kỷ vật quay sợi của mẹ được ông Phúc gìn giữ cẩn thận.
Nhiều con cháu, họ hàng dần dần quên và không biết chữ Thái nên ông rất trăn trở. Vốn kinh qua nhiều chức vụ như Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Nghệ An, rồi về làm Chủ tịch huyện Con Cuông, thời gian này ông được đi đến nhiều địa bàn xa, nghèo khó của huyện Con Cuông, Qùy Châu rồi Tương Dương, Kỳ Sơn. Trong những chuyến đi ấy ông được tiếp cận với nền văn hóa đa dạng cho nên “cái duyên” sưu tầm cổ vật của ông cũng thuận lợi. Đến nay, sau 30 năm sưu tầm, trong căn nhà sàn bằng gỗ của ông Phúc đã có bộ sưu tập rất đáng nể với hơn 800 vật dụng đủ loại của người Thái từ những dụng cụ SX, săn bắt, hái lượm đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay.
Trong “bảo tàng” 800 hiện vật vô giá ấy của những cộng đồng người Thái lâu đời vùng Mường Choọng, Mường Ham, Mường Lống, Mường Quạ… được chia thành các nhóm khác nhau như: Nhóm liên quan đến ẩm thực; nhóm âm thanh nhạc cụ; nhóm văn hoá tâm linh; nhóm dệt vải thêu thùa; nhóm công cụ SX; nhóm săn bắt đánh bắt; nhóm đan lưới, đan lát; nhóm trò chơi dân gian; nhóm chăn nuôi; nhóm trang sức, trang phục... Với ông, điều thiêng liêng nhất, gắn với ông nhiều kỷ niệm nhất là chiếc khung cửi, chiếc quay sợi mà ngày xưa bà cụ thân sinh ông vẫn dùng kéo sợi. Cứ nhìn thấy những món đồ ấy là ông lại nhớ đến mẹ mình.

Gìn giữ cho muôn đời sau.

Khi được hỏi, với nhiều người khi về hưu, họ chỉ thích vui thú tuổi già, nghỉ ngơi bên con cháu, hà cớ gì ông phải giày công sưu tầm những hiện vật xưa cũ?

Không những sưu tầm, ông Phúc còn biết chơi một số nhạc cụ của người Thái.
Nhấp bát nước chè xanh, ông khề khà cho biết: “Cũng như bao dân tộc anh em khác, cộng đồng dân tộc Thái có truyền thống văn hoá rất đặc trưng nhưng qua thời gian, những giá trị văn hóa ấy đã và đang ngày càng bị mai một. Tôi là người con của dân tộc Thái, không thể khoanh tay đứng nhìn cảnh những giá trị cổ xưa của dân tộc ngày càng bị mai một, những hiện vật bị thất truyền”. Ông cho biết nguyên do khi sư tầm đồ vật xưa cũ là nhằm để giáo dục truyền thống cho con cháu, trước hết là giáo dục trong gia đình, anh em, dòng họ nhằm hướng cho con cháu về cội nguồn, về với lịch sử của dân tộc mình.
Sau nữa là xây dựng nề nếp, gia phong, hạnh phúc gia đình, hướng tới tuyên truyền trong cộng đồng dân tộc Thái để góp phần đưa những giá trị văn hoá vào xây dựng cộng đồng. Bao năm qua, căn nhà sàn của ông luôn là nơi để con cháu trong dòng họ, cộng đồng người Thái tìm về sinh hoạt, học chữ Thái, giúp nhau cách thức làm ăn.
Trong các ngày lễ, tết, từ bậc cao niên đến con cháu trong gia đình đều mặc trang phục và nói tiếng Thái. Con trai thứ Vi Văn Sơn của ông, hiện đang bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Vận dụng luật tục của người Thái trong việc xây dựng chính quyền ở vùng Thanh - Nghệ”. Công trình nghiên cứu của anh được kết hợp với quá trình đi sưu tầm đồ xưa của người Thái suốt hàng chục năm trời.
“Qua thời gian, cuộc sống đổi thay, những vật dụng hiện đại đã thay thế những đồ vật xưa cũ một thời. Và những cái mất đi sẽ chẳng bao giờ lấy lại được. Tôi mong rằng từ việc làm của mình, con cháu đời sau nhìn vào bộ sưu tập có thể biết được thế nào là đời sống, văn hóa của cha ông”, ông Phúc mong mỏi.
Theo Nông Nghiệp
 

Ads HMO

Ads HMO

Top