• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quỳnh Lập Làng cách ly với thế giới với hơi ấm tình người

HMO

Administrator
Staff member
Tôi đã đến làng phong Quỳnh Lập (Thị xã Hoàng Mai), một làng phong gần như cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, nằm ngay bờ biển để thấy những bệnh nhân phong rất đáng thương và đáng được cảm thông. Họ quên đi bất hạnh, thắp lửa cho nhau, xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái để cuộc đời bớt đi tủi cực…

Tác giả (ngoài cùng, bên phải) cùng dự một bữa cơm với một gia đình ở làng phong.

Thân tàn nhưng hạnh phúc vẫn đong đầy
Làng phong có tên đầy đủ là Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập. Chẳng cần nói nhiều thì mọi người cũng biết lý do ngày xưa một trại phong phải đóng chân ở nơi cùng trời, cuối bể này. Rất nhiều người vào làng, điều trị và ăn đời ở kiếp nơi đây. Trong sinh hoạt hàng ngày, nhiều đôi nam nữ nảy sinh tình cảm, dệt lên những tình yêu đẹp, cảm động.

Hiện tại, làng phong có khoảng 75 cặp vợ chồng, sống trong những ngôi nhà nhỏ. Phần lớn họ nhận tiền trợ cấp và tự nấu ăn. Rồi họ cũng tăng gia trồng rau, nuôi bò để làm vốn, nuôi con cái học hành. Nhiều con em đã và đang học đại học ở Sài Gòn, Hà Nội. Một số đôi vợ chồng vừa bị phong, vừa mắc các căn bệnh khác thuộc diện chăm sóc đặc biệt sẽ được các y tá, điều dưỡng viên chăm sóc, nấu nướng cho từng bữa.

Tổ ấm của đôi vợ chồng ông Phạm Đình Tiến - bà Nguyễn Thị Tuyến là trung tâm để những bệnh nhân khác lui tới, xem tivi, nhờ cắt tóc hoặc chỉ uống nước, đánh cờ cho khuây khỏa. Ông Tiến nói với tôi: “Ở Quỳnh Lưu, chẳng mấy ai dám đặt chân tới làng phong Quỳnh Lập.

Xa quốc lộ đã là một chuyện, lại một thời người đời định kiến với bệnh phong. Không biết có phải vì thế mà người dân nơi đây, nhiều người chẳng biết làng phong nằm ở nơi nào. Chỉ số ít người dân xung quanh là vào buôn bán, trao đổi và tiếp xúc với chúng tôi vì họ biết bệnh này không lây”.

Trong làng phong, ai cũng chào ông Tiến là “anh báo”. Ông muốn mọi người gọi mình là anh cho trẻ trung, còn “báo” là biệt danh bà con đặt cho bởi ông là người duy nhất ở làng phong có viết báo, làm thơ. Được biết, ở Trại phong Quỳnh Lập, mức trợ cấp của người cao nhất là hơn 300 nghìn đồng/tháng, người thấp nhất là 200 nghìn. Số tiền đó đủ để họ mua sắm, nấu ăn trong khuôn khổ hạn hẹp của một bệnh nhân.

Nếu họ sinh con thì cả hai vợ chồng phải “bóp mồm bóp miệng”, cắt bớt khẩu phần ăn của mình cho con. Mặc dù vậy, nhiều đôi vợ chồng ở đây vẫn sinh con để mong có chỗ dựa sau này.

Ông Tiến sinh năm 1950 tại Quảng Trạch (Quảng Bình). Vào trại phong, ông đã tìm thấy nửa còn lại của mình. Đó là bà Tuyến, quê Hải Dương. Kết quả là ông bà đã sinh được bốn đứa con. Điều đó đã gây cho vợ chồng ông không ít khó khăn. Sau này viết báo, ông xoáy sâu vào việc tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch.

Ông cũng viết nhiều bài chống kỳ thị bệnh phong, nêu lên cái khó khăn và nỗi tủi cực của những người bệnh, với mong muốn nhiều người trong xã hội cũng nhìn họ với ánh mắt bình thường như những người khác.

Mỗi gia đình nhỏ nơi đây là một câu chuyện cảm động, đầy ắp sự cảm thông, chia sẻ và yêu thương. Tại làng phong có một đôi vợ chồng già hoàn cảnh rất khó khăn, thuộc diện chăm sóc toàn diện là ông Hồ Xuân Quắn (73 tuổi) và bà Nguyễn Thị Luận (60 tuổi, cùng quê ở Thanh Hóa). Cả hai đều bị bệnh từ nhỏ, ông thì hai tay bị cắt cụt, hai chân cũng bị cưa đến đầu gối; bà thì kém mắt, tai điếc.

Khi được hỏi vì sao hai ông bà đến với nhau, ông Quắn nói rất hồn nhiên: “Tôi thương bà ấy vì bà ấy chẳng thấy đường. Còn bà ấy thì giặt quần áo cho tôi, khi tôi cắt tóc, bà ấy lại gội đầu cho. Tôi chọn không nhầm”.

Câu nói của ông Quắn khiến những người có mặt trong phòng cười ứa nước mắt. Dù già cả, bệnh tật đầy mình nhưng đôi vợ chồng già sống rất lạc quan. Họ bảo vì ở đây các bác sĩ tận tình, bà con đùm bọc, Nhà nước thương tình nên không sợ.

Bà Luận cười xòa khi một ai đó nói về cái chết: “Không có con cũng chẳng sợ. Một trong hai người chết trước, chết sau đều không sợ. Có đoàn thể ở đây cơ mà. Trại phong cũng có một cái chùa…”.

Tình người mênh mang như biển
Vào Trại phong Quỳnh Lập nhiều lần, tôi thấy cuộc sống nơi đây sẽ buồn lắm nếu không có tiếng sóng, tiếng gió quất hàng phi lao và cả tình người mênh mang như biển. Tôi vào làng phong đúng hôm có hai người ốm chết. Bác sĩ gọi con cái của họ từ quê ra để chịu tang. Đám con cái có đến, nhưng chỉ đứng ngoài cổng, không dám vào vì sợ lây.

Một người bệnh ra đón chỉ vào tôi nói: “Đây này, anh phóng viên còn vào ăn ở với người bệnh phong, có sợ lây đâu”. Phải rất lâu sau, thêm sự khích lệ của tôi và các bác sĩ, những người con của hai người già xấu số mới mon men vào chịu tang cha mẹ.

Bệnh nhân Phạm Đình Tiến kể cho tôi chuyện một bệnh nhân phong ở Hải Phòng chết mà đem chôn 7 lần không được, vì đi đến đâu cũng bị xua đuổi. Kể xong, ông Tiến rơm rớm nước mắt, nhưng rồi ông xua tay, giọng vui hơn: “Cũng may các bác sĩ ở đây rất tốt. Đúng là “lương y như từ mẫu”. Các bác đã làm cho chúng tôi muốn sống, bớt đi phần nào sự ghẻ lạnh của người đời.

Bác sĩ Trần Thiện Hợp là người mấy chục năm gắn bó với chúng tôi, điều trị cho chúng tôi. Vừa rồi bác sĩ Hợp cưới con còn mời rất nhiều bệnh nhân vào dự đám cưới. Chúng tôi biết ơn những bác sĩ dũng cảm ấy suốt đời”.

Theo PLVN
 

Ads HMO

Ads HMO

Top