• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

TX Hoàng Mai Ngôi mộ chung của 33 thanh niên xung phong

HMO

Administrator
Staff member
Chuyện 33 nam nữ thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh năm 1966 trong hang đá tại thị xã Hoàng Mai đến nay không còn nhiều người biết, trong khi 13 TNXP Truông Bồn, tỉnh Nghệ An (1967), 10 TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh (1968) và 8 TNXP trong hang Tám Cô ở Quảng Bình (1972) từ lâu đã trở thành huyền thoại lay động tâm thức mọi người mỗi khi nghĩ về chiến tranh.
Hang đá nơi 33 TNXP hy sinh.
Bi hùng
Năm 1965, Bộ Giao thông Vận tải tăng cường cho Tổng cục Đường sắt Việt Nam 36 TNXP thuộc tổ 4 (đa số quê ở các tỉnh phía bắc) để bổ sung vào đơn vị trực thuộc là mỏ đá Hoàng Mai. Năm ấy, mỏ đá này có nhiệm vụ khai thác đá tảng, sản xuất đá dăm chuyển ra Phủ Lý (Hà Nam), chuyển vào Đồng Hới (Quảng Bình) và trực chiến 24/24h để nối liền tuyến đường sắt từ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) vào thị xã Vinh (Nghệ An) - một “cửa tử” khốc liệt trên tuyến lửa Quân khu IV đầy chớp lửa đạn bom.


Lúc 9h ngày 28.4.1966, toàn bộ 36 TNXP đang nối tay nhau vận chuyển những khối đá “vá” lại đoạn đường sắt đi qua tuyến lửa Hoàng Mai phải chạy dạt vào hang đá cách đó 300m trong tiếng còi báo động rú lên liên hồi. Anh chị em vừa lọt vào hang thì hai quả hỏa tiễn từ máy bay Mỹ phóng xuống khiến hàng trăm khối đá đổ sập, vùi lấp toàn bộ hang đá.


Lập tức công nhân mỏ đá Hoàng Mai và dân quân địa phương dùng cuốc chim, xà beng, búa tạ, xẻng để đào bới, cạy lật từng tảng đá, tìm từng thi thể nạn nhân. Phải sau ba ngày đêm công việc tìm kiếm mới kết thúc. Không một thi thể nào còn vẹn nguyên. Sự kiện bi hùng này lắng lại với những câu chuyện cảm động như bao câu chuyện cảm động khác của từng nam nữ TNXP hy sinh khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi trên mọi nẻo đường chiến tranh.


Chúng tôi tìm về làng Quan Nha, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam), nghe em trai của liệt sĩ Phạm Thị Thoa kể câu chuyện cảm động về chị mình: “Hồi đó đã 17 tuổi, nhưng vì sức khỏe yếu nên chị Thoa không đủ tiêu chuẩn gia nhập TNXP. Chị trăn trở khi ước muốn không thành nên nghĩ cách viết huyết tâm thư. Do chữ viết của chị không đẹp nên chị năn nỉ nhờ tôi viết. Xong chị lên xã nộp và xin đi bằng được. Ngày chị hy sinh thì anh trai tôi cũng hy sinh trên đường vào chiến trường miền Nam…”.



Nấm mộ chung giữa hang đá.

Còn bà Đặng Thị Toán (năm nay đã 68 tuổi, trú tại thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên) - một trong 3 người sống sót kỳ diệu sau trận đá vùi ngày 28.4.1966 - thần sắc trên khuôn mặt tái nhợt khi nghe nhắc đến trận hỏa tiễn đánh sập hang tổ 4. Nhìn lên bàn thờ, bà bảo: “Ngày 28.4 và ngày 27.7 hằng năm, khi thắp hương để nhớ về đồng đội đã hy sinh là mắt tôi hoa lên, đầu óc quay cuồng như còn ở bên hang đá. Giờ chỉ còn nén hương thơm thay cho tấm lòng già, mong sao các bạn yên giấc trên mảnh đất khói lửa cách đây 48 năm trời”.


Tuy đã cao niên nhưng thường ngày bà Toán vẫn mặc chiếc áo màu xanh lá cây của TNXP ngày nào. Chỉ lên Huân chương Lao động hạng Nhất treo cạnh tấm hình thời trẻ đi xẻ đá “vá” đường trong bom đạn, bà Toán nhớ một tình cảnh: “Trận đó, tôi chỉ biết khi chạy lọt vào hang trú ẩn rồi ngất lịm sau tiếng nổ dội tung hang đá. Khi tỉnh dậy thấy mình nằm giữa la liệt thi thể đồng đội đang chuẩn bị nhập liệm. Sở dĩ tôi tỉnh dậy được là nhờ ai đó nhỏ vào miệng mấy giọt nước đường, nếu không mọi người tưởng tôi đã chết và khiêng đi rồi”.


Từ thôn Bạch Xá, chúng tôi tìm đến nhà liệt sĩ Trần Thị Mong ở thôn Hoàng Thượng, xã Hoàng Đông. Ngôi nhà cấp bốn vắng lặng do bố mẹ và anh trai đã qua đời, hai chị đi lấy chồng xa. Trong nhà chỉ còn lại một người cháu gái của liệt sĩ Mong ở trông coi nhà thờ. Anh Nguyễn Văn Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Đông - cho biết, cháu của liệt sĩ Mong đang bị bệnh thần kinh do năm 16 tuổi bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc, sau hơn 10 năm hoảng loạn trở về, nhưng chỉ thích ở với cô ruột mặc dù cô đã là liệt sĩ.


Nấm mộ chung
Chúng tôi vào nghĩa trang liệt sĩ đường sắt thắp hương và đặt 33 bông hoa huệ trước 33 ngôi mộ được ốp màu đá đỏ giữa lưng chừng quả đồi chang nắng. Đi thêm hơn 300m quãng đường lồi lõm, qua những vách đá trong khu di tích đang rung lên tiếng mìn “thổ phỉ”, chúng tôi vào đến hang đá - nơi 33 TNXP hy sinh. Một tấm biển bằng ximăng đúc hàng chữ “Chứng tích hang số 4”.


Cách tấm biển chừng 5m là cửa hang rêu xanh dưới sum sê bóng cây hoa đại lặng buồn với tấm biển khắc tên tuổi, quê quán 33 nam nữ TNXP. Bước xuống hang sâu, hơi đá phả lên buốt lạnh. Trong hang có hai miếu thờ ở hai bên, là nơi nam và nữ TNXP thường ngồi hát hò đối đáp khi trú bom. Giữa hai miếu thờ hiện lên một khối đá xếp chồng lên nhau theo hình ngôi mộ.


Ông Đậu Đức Hoàn - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV đá Hoàng Mai - kể một tình tiết thật không ngờ: “Năm 1966, sau khi an táng 33 liệt sĩ vào nghĩa trang thì mấy năm gần đây, những trận mưa lớn dâng nước từ trong ngõ ngách ra làm ngập hang. Khi nước rút, hang đá trơ lại những mẩu xương người trắng phớ. Do không biết là phần thi thể của liệt sĩ nào còn sót lại nên đơn vị đành vây đá lại, để xương vào, gọi là nấm mồ chung”.


Lời ông Hoàn khiến chúng tôi lại liên tưởng đến giây phút bi hùng ngày 28.4, cách đây 48 năm, nhớ lời em trai của liệt sĩ Phạm Thị Thoa, nhớ ngôi nhà thờ vắng lặng của liệt sĩ Trần Thị Mong với người cháu gái mắc bệnh thần kinh và thần sắc biến đổi trên nét mặt già nua của cựu TNXP Đặng Thị Toán. Một ngôi mộ chung hiện lên trong hang đá nghĩa là 33 ngôi mộ riêng trên nghĩa trang vẫn chưa thể nào vẹn nguyên.


Liên tưởng xót xa này lại nhói lên khi biết năm 2011, nghĩa là sau 45 năm, chứng tích hang đá tổ 4 mới được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trước đó, năm 2003, nghĩa là sau 37 năm, 33 nam nữ TNXP này mới chính thức được công nhận liệt sĩ. Ông Nguyễn Thanh Phùng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An - giải thích là do đơn vị trình hồ sơ chậm, trình là sở tiến hành làm thủ tục ngay”.


Tương tự, ông Cao Đăng Vĩnh - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An - cũng cho hay “do sở mới nhận được đề nghị xếp hạng di tích từ Phòng Văn hóa thị xã Hoàng Mai chuyển lên. Lúc đầu chúng tôi định làm di tích cấp tỉnh, nhưng quá trình tìm lý lịch thấy di tích này bi hùng không khác gì các di tích TNXP ở Truông Bồn, Đồng Lộc và hang Tám Cô nên chúng tôi quyết định xây dựng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Từ khi trình đến khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận chỉ trong một tuần lễ”.


Chúng tôi mang tâm sự về sự chậm trễ này đến trao đổi với lãnh đạo Công ty TNHH MTV đá Hoàng Mai, thì ông Đậu Đức Hoàn loay hoay với câu trả lời “do lãnh đạo công ty thay đổi thường xuyên nên công việc cứ dở dang mãi”. Trong lúc đó, lật giở từng trang trong cuốn “40 năm truyền thống” của công ty, chúng tôi càng ngạc nhiên khi chỉ thấy 17 dòng ngắn ngủi nhắc đến sự kiện ngày 28.4, mặc dù di ảnh của 33 nam nữ TNXP vẫn còn tươi những ánh mắt, nụ cười thời son trẻ. Riêng chuyện sau đây thì ông Hoàn nhớ rõ: “Những năm gần đây vào dịp ngày 27.7, đại diện lãnh đạo địa phương đã đến thăm viếng. Còn hằng năm cứ đến dịp này, Tổng cục Đường sắt tổ chức đoàn thanh niên đi tàu hỏa vào hát cho các anh chị nghe những bài ca thời chiến tranh”.


Thông đường, thông tàu dưới mưa bom bão đạn
Cuối năm 1965, dưới mưa bom, bão đạn, tổ 4 TNXP cùng công nhân mỏ đá Hoàng Mai đã khai thác được 63.047m3 đá hộc, 225.644m3 đá dăm và 7.750m3 các loại đá khác; đảm bảo thông đường, thông tàu, thông xe trên tuyến đường huyết mạch Thanh Hóa - Nghệ An. Cũng năm này, Bác Hồ gửi thư khen lực lượng TNXP hai tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An, trong đó có 36 TNXP của tổ 4 tăng cường.

Thao Lao Động
 

Ads HMO

Ads HMO

Top