• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Tháo gỡ nỗi lo thất nghiệp cho sinh viên vùng cao

HMO

Administrator
Staff member
Tại địa bàn các huyện vùng cao tỉnh Nghệ An, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nghề không có việc làm chiếm tỷ lệ khá cao. Tình trạng trên đang tác động lớn đến tư tưởng của người dân, cũng như tình hình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) địa phương. Chủ động phân luồng đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề được xác định là yếu tố quan trọng để "kéo giảm" tình trạng thất nghiệp ở vùng cao Nghệ An trong thời gian tới.

Chị Lô Thị Thúy Hằng, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn trở về chăn nuôi bò sau khi tốt nghiệp đại học.
Thực trạng đáng báo động
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, hiện toàn tỉnh có tới 4.000 cử nhân đang thất nghiệp hoàn toàn và có khoảng 8.000 người đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ đang thiếu việc làm, hoặc làm trái ngành nghề được đào tạo. Điều đáng lo ngại hiện tượng này không chỉ diễn ra ở TP Vinh, các huyện đồng bằng mà lan đến địa bàn các huyện vùng cao, nơi có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống-khu vực mà từ trước đến nay được xác định là khó tìm nguồn nhân lực có chất lượng. Cụ thể huyện biên giới Kỳ Sơn là địa phương có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất với hơn 500 người; tiếp đó là huyện Quế Phong với 408 người và huyện Tương Dương khoảng 300 người. Riêng huyện Tương Dương có 40 người được cử đi học theo diện cử tuyển, nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được việc làm. Chị Vi Thị Ánh, dân tộc Pọong, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương là một trong số đó. Năm 2007, chị Ánh được địa phương cử đi học ngành sư phạm sinh học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Sau 3 năm đèn sách, chị Ánh tốt nghiệp với tấm bằng loại khá, thế nhưng khi trở về quê hương thì không được bố trí việc làm như định hướng ban đầu. Gần như năm nào, chị Ánh cũng nộp hồ sơ xin việc nhưng đều không được chấp nhận vì lí do không có chỉ tiêu. Đến nay “cô giáo” đã lấy chồng và chấp nhận bám nương rẫy để mưu sinh.

Trường hợp của chị Lô Thị Thúy Hằng, dân tộc Thái, bản xốp Tụ, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn cũng là một ví dụ điển hình. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị thi đỗ vào ngành sư phạm địa lý, Trường Đại học Vinh. Mặc dù hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nhưng gia đình đã cố gắng chu cấp để chị về thành phố theo học. Sau 4 năm đèn sách, chị Hằng tốt nghiệp trở về quê với hy vọng sớm được đứng trên bục giảng. Thế nhưng, sau nhiều năm tốt nghiệp, chị vẫn không thực hiện được ước mơ và chấp nhận "gác" tấm bằng đại học cùng gia đình chăn nuôi, trồng trọt trả nợ số tiền vay mượn chi phí trong 4 năm theo học.

Nguyên nhân khiến hàng trăm sinh viên vùng cao ra trường không có việc làm được ông Thò Bá Rê, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn, lý giải: “Phần lớn các gia đình ở vùng cao đều có tư tưởng cho con theo học để về làm cán bộ trong cơ quan Nhà nước. Công tác định hướng, hướng nghiệp từ xa của chúng ta lại chưa tốt. Các em chủ yếu tốt nghiệp những ngành như sư phạm, các ngành học thuộc lĩnh vực xã hội, trong khi nhu cầu sử dụng lại hạn chế, nên rất khó để bố trí”.

Việc thừa lao động được đào tạo ở vùng cao Nghệ An, địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nghe nghịch lý nhưng lại đang là sự thật. Tình trạng này đang gây ra những tác động đáng lo ngại đến tư tưởng của người dân; đồng thời cũng là bước cản không nhỏ đến tình hình phát triển KT-XH của địa phương. Điều dễ nhận thấy đầu tiên chính là sự tốn kém về kinh tế cũng như thời gian cho bản thân các bạn trẻ và từng gia đình. Theo tính toán, mỗi gia đình vùng cao phải chi khoảng 200 triệu đồng để cho một người con theo học đại học trong thời gian 4 năm. Số tiền vô cùng lớn so với thu nhập của một gia đình đang sinh sống ở địa bàn biên giới khó khăn. Phần lớn số chi phí này đều phải vay mượn ngân hàng với dự định sau này con đi học có việc làm, thu nhập sẽ trả dần. Thế nhưng các bạn sinh viên sau khi ra trường đang chịu cảnh thất nghiệp nên gia đình họ phải chật vật trang trải khoản nợ chi phí cho con học tập trước đó.

Một điều đáng buồn nữa là những cử nhân, giáo viên… vốn được đào tạo cơ bản lại phải quay về tiếp tục bám nương rẫy để mưu sinh. Đây là một sự lãng phí lớn về nguồn nhân lực. Rất nhiều trường hợp sau khi tốt nghiệp không có việc làm sinh ra chán nản, ăn chơi lêu lổng dẫn đến nghiện hút, thậm chí vi phạm pháp luật. Còn với bậc phụ huynh khi nhìn vào thực tiễn, họ cho rằng, cho con em đi học, tốn kém nhưng kết cục ra trường rồi cũng về làm nương rẫy. Vì vậy, đa phần người dân hiện nay không còn mặn mà với việc học tập của con em. Một thầy giáo có nhiều năm công tác tại xã Mai Sơn (huyện Tương Dương) than phiền: Những năm gần đây trên địa bàn xuất hiện hiện tượng nhiều gia đình không cho con em mình học tiếp lên THCS, THPT dù lực học của các em rất khá.


Chị Vi Thị Ánh, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương chấp nhận bám nương rẫy để nuôi sống gia đình.
Không chỉ vậy, thất nghiệp ở vùng cao cũng được xác định là một trong những yếu tố tác động đến tình trạng di cư tự do. Thực tế cho thấy, những năm gần đây nhiều bạn trẻ ở các huyện vùng cao Nghệ An, sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trở về quê, do không có việc làm nên đã sang nước bạn Lào để tìm việc làm. Sau đó họ tìm cách đưa cả gia đình di cư trái phép sang nước bạn sinh sống lâu dài. Một số trường hợp bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động vi phạm pháp luật... Điều này đang tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới, vùng cao Nghệ An.

Tháo gỡ từ khâu đào tạo
Trước thực trạng trên, chính quyền và ngành giáo dục các huyện vùng cao Nghệ An đang triển khai nhiều biện pháp để tháo gỡ, trong đó chú trọng vào khâu đào tạo, hướng nghiệp dạy nghề từ bậc THCS, THPT. Những năm gần đây, ngành giáo dục Nghệ An đã triển khai tốt công tác phân luồng giáo dục cũng như đào tạo nghề. Theo đó, ngay ở bậc THCS, cùng với việc học văn hóa, các em đã được đào tạo một số nghề cơ bản, như: Cơ khí, may mặc... Công tác này được duy trì cho đến khi các em học lên THPT và hoàn toàn miễn phí. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó chánh văn phòng Sở GD & ĐT tỉnh Nghệ An khẳng định: “Sở đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác phân luồng giáo dục, đồng thời làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho các em. Đối với các trường nghề, sở chỉ đạo đẩy mạnh việc đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với tìm đầu ra cho học viên. Đây được xác định là một trong những yếu tố then chốt "kéo giảm" tỷ lệ sinh viên không có việc làm sau đào tạo”. Dường như chủ trương của ngành giáo dục Nghệ An đã bước đầu có những tín hiệu tích cực. Minh chứng trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, có 40% thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, điều đó dường như chỉ mới đúng ở địa bàn TP Vinh và các huyện miền xuôi; còn đối với các huyện vùng cao Nghệ An, học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký học các trường nghề tỷ lệ rất thấp. Theo ông Thò Bá Rê thì nguyên nhân khiến người dân vùng cao không mặn mà với việc đào tạo nghề chính là tư tưởng: Đã đi học là phải được làm cán bộ. Một yếu tố khác là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giữ thói quen sống gần gia đình, ngại đi xa, trong khi đào tạo nghề xong thì chủ yếu vào làm việc ở các khu công nghiệp. Cũng như chủ trương chung trên toàn tỉnh, các huyện vùng cao Nghệ An như Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức trong nhân dân; chú trọng công tác hướng nghiệp, dạy nghề ngay từ bậc THCS và THPT; đồng thời có nhiều chính sách ưu đãi cho công tác đào tạo nghề cũng như thu hút các dự án đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Theo QĐND
 

Ads HMO

Ads HMO

Top