• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Kỳ Sơn Trên nóc nhà Trường sơn với những người Trường Sơn

HMO

Administrator
Staff member
Đó là câu chuyện về những người lính mở đường tuần tra biên giới của Binh đoàn 12 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) trên đỉnh núi Phu Vai Lai Leng, cao 2.721m, thuộc huyện Kỳ Sơn, nơi được mệnh danh là nóc nhà của dãy Trường Sơn hùng vĩ…

Chọn mặt gửi vàng
Có lần, Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12 đã chia sẻ với chúng tôi chuyện những ngày đầu được giao nhiệm vụ mở đường tuần tra biên giới (TTBG). Ngay sau khi khảo sát, giao nhận tuyến, Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung đã giật mình thấy binh đoàn được giao hai gói thầu “khó nhai” nhất: Một trên đỉnh Phu Vai Lai Leng cao nhất dãy Trường Sơn Bắc và một trên đỉnh Ngọc Linh cao nhất dãy Trường Sơn Nam. Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung đã ý kiến với Thiếu tướng Hoàng Kiền, Giám đốc Ban Quản lý Dự án 47 về sự “ngẫu nhiên” đầy khó khăn này.


Một đoạn đường xuyên qua nhiều vách đá cheo leo do Binh đoàn 12 thi công.
Nào ngờ, Thiếu tướng Hoàng Kiền dứt khoát:
- Anh em mình đều là bộ đội Trường Sơn. Mà bộ đội Trường Sơn những năm chiến tranh đã vượt qua những tọa độ lửa nguy hiểm nhất. Thời bình, cả về kinh nghiệm và năng lực thi công, cũng không ai hơn bộ đội Trường Sơn. Giao cho các đồng chí những gói thầu này cũng chính là mong muốn và cơ hội để Binh đoàn 12 lập nên những kỳ tích mới!


Lửa thử vàng
Tôi theo chân đoàn công tác của Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) trở lại Phu Vai Lai Leng, nơi tuyến đường có chiều dài 77,5km, đi qua địa hình núi cao của huyện Kỳ Sơn, một trong 62 huyện nghèo nhất nước. Gặp Đại tá Phan Tiến Long, Phó ban chỉ đạo thi công đường TTBG, người đã bám trụ nơi đây 4 năm trời, thấy tóc anh dường như bạc hơn trước. Nơi đây, địa hình, thời tiết rất khắc nghiệt, mùa đông thường xuyên có băng giá, tuyết rơi, mưa mù kéo dài 8 tháng/năm, có chỗ gần như quanh năm ít thấy ánh mặt trời, không có dân cư sinh sống và qua lại. Bốn năm qua, với anh Long và những người lính thuộc Công ty 99, Công ty 532 (Binh đoàn 12), mỗi ngày tháng đều là những cuộc chiến đấu với những vách đá cheo leo, hiểm trở. Có những đoạn đường, cả cây số là đá già vạn tuổi, án ngữ kề vực sâu hun hút. Có chỗ, mìn nổ rồi đá vẫn nằm trơ. Cực chẳng đã, có lúc anh Long ngao ngán lắc đầu, tưởng như không có giải pháp nào vượt qua những “rừng đá”. Anh từng nói với Thiếu tướng Hoàng Kiền:


- Có lẽ đành chịu thôi, thưa thủ trưởng.
- Binh đoàn 12 các cậu là hàng đầu về cầu đường rồi, là nhất Việt Nam rồi mà còn chịu thì ai làm?


Câu nói ấy khiến những người lính không ngủ. Họ ngồi lại quyết tìm giải pháp. Không ít chỗ, người và máy phải “đánh cược” với đá, hoặc là mở được đường, hoặc là cả người và máy xúc, máy đào quăng mình xuống vực sâu. Cuối cùng thì mùa xuân này, tất cả những đoạn “xương xẩu” nhất đều đã bị bộ đội Binh đoàn 12 chinh phục. Đơn vị đã hoàn thành gần 80% giá trị xây dựng.


Những "chuyện lạ" mắt thấy tai nghe!
Khi đoàn công tác đến công trường của Binh đoàn 12, ai cũng trầm trồ thán phục khi con đường đã “mở toang” qua cả một rừng đá, nhiều tảng đá to như một con voi. Theo thống kê của Ban Quản lý Dự án 47, để mở một mét chiều dài đường TTBG khu vực này, có chỗ phải đào, đắp theo chiều cao 165m, với hơn 300.000m3 đất, đá.


Lãnh đạo Cục Tuyên huấn tặng quà bộ đội Binh đoàn 12 thi công đường TTBG.
Thượng tá Phạm Văn Hải, Phó giám đốc Xí nghiệp 99.1 (Công ty 99), Chỉ huy trưởng Công trường thi công gói thầu ở xã Mường Típ kể: Lẽ ra sau khi làm xong chiếc cầu bê tông vĩnh cửu vắt ngang suối Nậm Típ, thay thế chiếc cầu treo Xốp Phong (vốn là niềm mơ ước nghìn đời của bà con dân bản), đơn vị đã làm xong dự án. Thế nhưng, cơn bão số 10 năm 2013 đã gây sạt lở nghiêm trọng một đoạn đường vừa làm xong nền, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng, khiến dự án kéo dài thêm hai năm.


Trên bình độ cao hơn 2.500m so với mực nước biển, Thiếu tá Hoàng Việt Dũng, Chỉ huy trưởng công trường của Công ty 532 đang chỉ huy anh em dùng vải bạt phủ kín chiếc máy xúc, khiến nó nhìn như một chú voi. Anh cho biết, nơi đây, khí hậu khắc nghiệt nhất dãy Trường Sơn, do không có đài khí tượng nên đài, báo không đưa tin có tuyết rơi, chứ thực ra hiện tượng tuyết rơi thường xuyên xảy ra, nhiều hơn cả Sa Pa. Vì thế, anh em phải “đắp chăn”, phủ bạt cho xe, máy; nếu không dầu máy sẽ đóng băng, vận hành rất vất vả. Nhiều khi phải đun sôi dầu rồi đổ vào máy để đi làm. Do chênh lệch áp suất khí quyển, nấu cơm rất khó chín, muốn nấu cơm chín phải nấu bằng gạo của đồng bào dân tộc Mông. Mua được gạo đã khó, thuê đồng bào gùi gạo và thực phẩm lên, cứ hai bao phải trả tiền công 500.000 đồng, tiền vận chuyển đắt không kém tiền gạo. Xăng dầu thuê gùi lên cũng mất 100.000 đồng tiền công vận chuyển cho mỗi can 30 lít.


Tận mắt chứng kiến những vất vả, hy sinh của người lính mở đường trên đỉnh Trường Sơn, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn cho rằng, nỗ lực của bộ đội Binh đoàn 12 nói riêng, bộ đội mở đường TTBG nói chung là một kỳ tích. Bởi lẽ, ngay cả những năm chiến tranh, chúng ta cũng chưa có điều kiện mở đường trên đỉnh Phu Vai Lai Leng. Tới đây, trong tổng kết Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội cụ Hồ”, cần phát hiện, biểu dương, tôn vinh những gương tập thể và cá nhân có nhiều cống hiến xuất khi mở đường TTBG. Việc con đường xuyên đỉnh Trường Sơn được thông tuyến đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tới đây sẽ ghi thêm một dấu ấn chiến công mới của quân đội thời bình.

Theo QĐND.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top