• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghi Lộc Xót thương 2 đứa trẻ có cha mất do tai nạn giao thông, mẹ mất vì ung thư

HMO

Administrator
Staff member
Chưa đầy 3 năm, những người thân trong gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở xóm 14, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc lần lượt ra đi vì bạo bệnh và tai nạn. Tang thương ập xuống đánh gục người phụ nữ chỉ mới ngoài 50, cùng người mẹ chồng già yếu và hai đứa cháu 8,9 tuổi cũng nheo nhóc ngơ ngác vì cơ sự đau thương.

Đớn đau 2 năm 3 cái tang

Võ Trần Lê Na, 9 tuổi, học lớp 3 và em trai Võ Văn Nhật Duy, 8 tuổi, đang theo học lớp 2 tại Trường Tiểu học Nghi Trung, vẫn vô tư chơi đùa với nhau khi chúng tôi đến. Hai gương mặt ngại ngần nhìn người lạ rồi ngơ ngác ngó sang bà nội của các em.

Hai chị em chưa đủ lớn để cảm nhận sự mất mát, mà có thể chỉ vài năm nữa, nhìn sang bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ bên cạnh lo toan, sẽ dần ám ảnh vào nỗi khổ ải mồ côi khi còn thơ dại. Còn giờ, sự mất mát của gia đình trong hai ký ức ngây thơ này chỉ như ý nghĩ bố mẹ và người ông đi xa chưa về. Các cháu vẫn quá hồn nhiên để hiểu thấu nỗi đau của mất mát.

Nhưng người bà nội, Nguyễn Thị Lan (SN 1964, xóm 14, Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An) thì thấm nỗi đau đó. Lần lượt, con dâu, rồi đến chồng và rồi con đẻ bỏ đi chóng vánh.


Gia cảnh bà Lan từ ngày chồng, con trai, con dâu mất một mình cáng đáng nuôi 2 đứa cháu và mẹ chồng đã ngoài 75 tuổi.
Năm 2014, chị Trần Thị Son vợ của Võ Văn Cung, con trai bà Lan, chỉ sau ít ngày nhập viện đã ra đi mãi mãi. Ngày thường, chị Son đi phun thuốc sâu thuê. Ai ở đâu thuê phun cũng nhận làm, ấy là cũng đã biết cái tác hại ghê gớm khi cứ trường kì tiếp xúc với loại hóa chất độc hại đó.

Nhưng mưu sinh ở quê nghèo, ngoài làm ruộng được ít tháng thì nghề phun thuốc cũng kiếm thêm được đồng tiền lo cho hai đứa nhỏ đang tuổi bắt đầu ăn học. Chị Son cứ vậy, cả ngày tiếp xúc với mùi hóa chất đổi lấy những đồng tiền khó nhọc.

Rồi đổ bệnh, đổ gục hẳn xuống như tàu lá héo, thứ hóa chất tiếp xúc liên miên đã đánh bại cơ thể của người phụ nữ vất vả, gia đình đưa chị đi từ bệnh viện huyện lên tỉnh, ra cả Hà Nội để vớt vát sinh mạng song vô ích, chỉ chống chọi chưa được tháng thì chị Son mất. Sự ra đi chưa kịp dặn dò của chị Son khiến cả nhà ngỡ ngàng.


Hai đứa con nhỏ và bà mẹ chồng đã già không còn làm được gì. Một mình bà Lan cáng đáng nên quanh năm luôn thiếu thốn đủ thứ.
Cuối năm đó, ông Võ Văn Quang, chồng bà Lan, bị bệnh ung thư sau một thời gian hành hạ đau đớn cũng ra đi. Bà Lan và con trai, anh Võ Văn Cung, lại thêm lần nữa trong cùng năm phải tiễn biệt người chồng người cha về bên kia thế giới. Hai mẹ con cũng héo theo nỗi buồn, tâm trí hoàn toàn suy kiệt.

Bởi đều tật bệnh nan y, không còn sức gắng gượng nữa mới đến viện, đúng kiểu thân phận đói kém, “nhà giàu đứt tay bằng nhà nghèo xổ bụng”, bởi vào viện với người nghèo là con đường đi thẳng xuống tới mức khánh kiệt tan hoang.

Bệnh nặng đều phải dùng những phương pháp điều trị tốn kém, khiến cho gia đình làm nông này cạn hết tiền bạc tích cóp, cộng với những khoản vay mượn tứ tung anh em họ hàng. Vay mượn để mà chữa trị, chứ đâu đã tính được ngày trả. Song người không cứu được, mà tiền bạc như lỗ đen không đáy, đổ vào bao nhiêu cũng mất hút.

Bà Vượng đã ngoài 75 tuổi cũng sống dựa vào người con dâu. Ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, song bà vẫn phải chứng kiến cảnh chắt mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Hai cái tang trong vòng một năm, anh Cung chỉ còn như chiếc bóng, im lìm lầm lũi. Nhưng vẫn phải tiếp tục gắng mà sống, nghề thợ xây của anh ráo mồ hôi là hết tiền, đặc biệt khi anh trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình. Vì ngoài người mẹ, người bà già yếu, thì hai đứa con mới bước vào những năm học tiểu học đầu đời, là ngọn nguồn để người đàn ông đó cần mẫn lao động.

Trước để trả nợ vay, sau để lo hai đứa nhỏ chí ít học hành được con chữ. Nghĩ trời thương mà để cho làm ăn, để có sức lo cho con cái, gánh vác chuyện gia đình, nhưng dường như những đau thương hai năm trước vẫn chưa phải là tận số. Bắt gia đình này phải mất mát thêm.


Bà Lan kể về cuộc đời mình khi nào cũng rơi nước mắt sầu.
Nỗi đau mất chồng, con dâu chưa nguôi ngoai, thì một ngày cuối tháng 9 năm 2016, trên đường đi xây về, anh Cung bị tai nạn giao thông, và ra đi rất chóng vánh. Bà Lan nghe báo mà chết đứng.

“Ngày nhận tin con bị tai nạn mọi thứ trước mắt tôi như mù mờ tối sẫm, không phân biệt được đâu thực đâu hư. Ai oán trong lòng người tôi khó có gì để đong đếm được, hàng xóm láng giềng sang đưa tang mà ai cũng nghẹn ngào khóc thương. Sao ông trời nỡ “bắt” của tôi nhiều người vậy”, nói đoạn bà Lan cố lau những giọt nước mắt muộn mằn.

Hai năm ba cái tang, dập dồn chuyện thương tâm, dẫu lòng dạ có làm bằng sắt đá cũng tan chảy vụn vỡ.

Canh cánh nỗi lo bão tố cuộc sống 3 người không việc làm
Giờ đây, thay chồng thay con dâu con đẻ, bà Lan thành người chống đỡ cho mái ấm trước cơn bão tố này. Người mẹ chồng, bà Nguyễn Thị Vượng, đã 75 tuổi già yếu run rẩy, và hai đứa cháu chưa quá tuổi lên 10, đến lúc này bà Lan sẽ phải đảm đương gánh vác.

Nhưng chông chênh lộ rõ, nhà chẳng còn bóng dáng đàn ông thì đụng vào việc gì cũng thấy hụt hơi. Mấy chục năm có chồng có con kề cận mà không thoát khỏi kiếp đói nghèo, nay 53 tuổi, bà Lan bất đắc dĩ trở thành trụ cột. Tủi thân trách phận, nhiều bữa bà Lan nằm trông hai đứa cháu ngủ ngon lành mà khóc ướt đẫm gối, hoang mang không biết tính kế gì để lo cho những ngày tháng tiếp theo.


Bà Lan bảo: "Sợ nhất bây giờ là hai đứa cháu không còn theo học vì không có tiền".

Cháu Duy và Na vẫn hồn nhiên vui bên cạnh người bà.
“Ông nhà tôi mất, dẫu sao cũng là bệnh ung thư biến chuyển không chống cự được, đau lòng nhưng ít ra ông ấy đã được trải qua cuộc đời này, coi như số ông ấy đến vậy. Nhưng Son với Cung thì đang còn trẻ, mà ra đi nhanh quá, chớp mắt đó mà đã không còn. Giờ trong nhà chỉ còn người già trẻ nhỏ, không biết bấu víu vào đâu. Đáng tội các cháu còn nhỏ mà dại lắm, còn chưa cả biết mất bố mẹ là thiệt thòi. Tôi với mẹ chồng, thấy chúng vô tư chơi đùa, tủi thân, khi nào cũng cố kìm lại mà không dằn lòng được ”, sống mũi bà Lan hoe đỏ.

Cụ Nguyễn Thị Vượng, nước mắt ngắn dài, bần thần nhìn con dâu rồi nhìn hai đứa chắt, khuôn mặt não nề u ám. Cụ Vượng năm nay sang tuổi 75, nói một câu lại khóc một câu. Nghe cụ thở mà cũng thấy khó nhọc: “Người già thì không mong chi các chú à, cũng chỉ chờ trời đất đón đi thôi. Đành rằng các chắt của tôi số chúng nó khổ. Mồ côi cha mẹ. Nhưng ra đi mà con cháu đang như thế này.. day dứt lắm.”


Hai đứa vẫn chưa hiểu nỗi đau mất cha mẹ.
Cả mẹ và con dâu, hai người phụ nữ quê mùa xộc xệch, vẫn chân đất ngượng ngùng nói chuyện với chúng tôi, ba năm sóng gió trong đời, và không biết bao năm nữa mới thôi hết đau đớn. Hoang mang, và vô định, chất chứa trong những đôi mắt đỏ kèm nhèm của cụ Vượng, bà Lan.

Cả nhà vào thắp hương cho anh Cung, bé Na và Duy chắp tay lên lạy trước di ảnh bố mà vẫn còn ngơ ngác. Tuổi ấu thơ mấy ai biết đến nỗi đau, nhưng ấu thơ rồi cũng đi mất, đến khi lớn, để có thể hiểu được cuộc đời nhiều sóng gió, Na và Duy hẳn chỉ còn một mong ước ngày bố mẹ ra đi không phải là những lúc này.

Từ ngày chồng mất, bà Vượng cũng như hai chắt đều sống nhờ vào người con dâu lo toan cuộc sống.

Trước bàn thờ người con, người cháu bà Lan, cụ Vượng và hai cháu Na - Duy cầu mong ở thế giới bên kia người đã khuất luôn bình an.
Hằng ngày, bà Lan phải lo toan ăn ngủ cho mẹ già và việc đi lại học hành hai đứa cháu nội, việc đó thôi cũng đã hết ngày. Mới ít tháng sau khi anh Cung ra đi mà cả nhà đã lâm vào tình cảnh kham khổ. Mấy con người rau cháo qua bữa, việc ấy trong vườn ngoài ruộng hẳn không chết đói. Nhưng nợ nần chất chồng tiền trăm, các cháu đang tuổi ăn học, bà Lan nghĩ đến mà muốn hụt hơn.

“Tôi cũng không dám cầu mong có ai giúp đỡ chuyện nợ nần, nợ ngần ấy tiền ai giúp nổi. Người ta đòi gay gắt quá thì tôi cũng tính rồi, bán cả đất cả vườn. Nhưng tôi khổ tâm lắm, bán rồi các cháu biết ở đâu, và rồi còn việc học, cũng gắng nốt cho chúng học năm nay chứ sang năm ra sao, không dám nghĩ nữa. Nhà không làm ra gì ngoài hạt lúa, không chết vì đói nhưng cháu chắt nó mồ côi rồi mà thất học nữa thì ông nhà tôi với cái Son thằng Cung sao ra đi thanh thản được”, bà Lan đưa tay lên mặt gạt nước mắt, mà gạt không kịp, loang ra trên đôi má gồ ghề.


Giấy xác nhận hoàn cảnh và hộ nghèo của bà Lan.
Người phụ nữ vẫn nức nở, cả người run run: “Thấy trên báo chí truyền hình, có chương trình gì đó giúp cho các cháu đến trường, không lỡ việc học mà tôi ao ước quá. Tôi chỉ khẩn khoản cầu xin ai đó giúp đỡ cho hai đứa cháu tôi, cho chúng được ăn học, để mà ra được cái nghề kiếm sống. Có chăng như vậy khi trời bắt đi tôi mới dám gặp lại ông nhà với hai vợ chồng thằng Cung”. Ngồi cạnh, cụ Vượng cũng móm mém nhăn nheo khóc theo cô con dâu khốn khổ.

Tôi nhìn hai bé Na và Duy vẫn đang mím môi ngồi lặng, rồi nhìn hai người đàn bà nhàu nhĩ buông thõng người trên ghế, không nghĩ được cách giúp đỡ. Rồi cũng ra về mà cứ thấy nặng nề như mình đang mang tội lỗi. Ấy là khi tôi biết, gặp người khốn khó mà không giúp được người ta, mình cũng khổ sở day dứt nhường nào.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
- Bà Nguyễn Thị Lan, xóm 14, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
- ĐT: 01664.293.543

Theo Nguyễn Duy (Dân Trí)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top